Với nhiều công dụng như giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, nâng cao sức đề kháng, kiểm soát lượng đường trong máu… nhân sâm được xem là loại thảo dược quý hiếm và được sử dụng trong y học từ hàng nghìn năm trước.
Tuy nhiên, liệu bạn đã biết hết tác dụng của nhân sâm chưa? Bên cạnh đó, có phải ai dùng cũng tốt và cần lưu ý gì khi dùng nhân sâm? Để giải đáp những câu hỏi trên, mời bạn đọc ngay bài viết sau với những chia sẻ về loại thảo dược này nhé!
I. Nhân sâm – Loại thảo dược thần kỳ
Nhân sâm (hay sâm) là một loại rễ củ, có hình thù trông giống cơ thể con người với phần củ và nhánh rễ Hiện trên thế giới có rất nhiều loại nhân sâm nhưng phổ biến nhất là nhân sâm Canada (Panax quinquefolius) và nhân sâm châu Á (Panax ginseng).
Theo y học cổ truyền nhân sâm là loại thảo dược có vị đắng, không độc, có tác dụng đại bổ nguyên khí. Nhân sâm cũng là đầu vị của thuốc bổ khí và đứng đầu trong 4 vị thuốc của Đông y là sâm, nhung, quế, phụ. Với công năng bổ khí, ích huyết, sinh tân (bồi bổ huyết dịch), định thần, ích trí, nhân sâm thường được dùng để trị chứng chân khí suy kém, cơ thể mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, tay chân lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, nội nhiệt, tiêu khát, liệt dương, suy tim, hồi hộp, mất ngủ.
Trong khi đó,theo y học hiện đại, nhân sâm giúp bồi bổ sức khỏe, nâng cao thể lực nhờ các thành phần hợp chất hữu cơ quan trọng như germanium, glycoside panaxin cùng với các vitamin B1, vitamin B2, các axit béo như axit panmitic, streari, linoleic và các axit amin. Trong đó, hai thành phần hoạt chất quan trọng nhất là được cho là tạo nên công dụng thần kỳ của nhân sâm là ginsenosides và gintonin.
II. Tác dụng của nhân sâm: Liệu bạn đã biết hết?
Dưới đây là một số tác dụng của nhân sâm khiến nhiều người phải bất ngờ:
1. Tăng cường hệ miễn dịch
Nhân sâm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn và ngăn ngừa các loại bệnh thường gặp như cảm lạnh, cảm cúm… Theo nghiên cứu, nhân sâm giúp làm tăng số lượng tế bào miễn dịch trong máu và cải thiện phản ứng của hệ miễn dịch. Không những vậy, dùng nhân sâm còn giúp giảm thời gian bị bệnh, giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và giảm nguy cơ mắc các nhiễm trùng khác khi bị cúm hoặc cảm lạnh
2. Cải thiện chức năng não bộ
Một trong những tác dụng nổi bật khác của nhân sâm không thể không nhắc đến đó là khả năng cải thiện các chức năng của não như trí nhớ, hành vi và tâm trạng.
Thành phần hoạt chất ginsenoside có trong nhân sâm có thể giúp tăng cường trí nhớ, khả năng học hỏi và tăng tỷ lệ sống sót của tế bào não. Bên cạnh đó, nhân sâm cũng giúp hỗ trợ việc truyền tín hiệu và thông điệp từ não đến các bộ phận khác của cơ thể. Cuối cùng, nhân sâm còn hỗ trợ làm giảm viêm nhiễm của các tế bào não và ngăn ngừa suy giảm trí nhớ.
3. Kiểm soát lượng đường trong máu
Cả nhân sâm Canada và châu Á đều được chứng minh là có thể giúp cải thiện chức năng của tế bào tuyến tụy, tăng cường sản xuất insulin và tăng cường hấp thu lượng đường trong máu ở các mô. Ngoài ra, nhân sâm Canada còn có khả năng làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
4. Giảm cholesterol
Một nghiên cứu cho thấy sử dụng 6g nhân sâm mỗi ngày trong 8 tuần sẽ làm giảm mức cholesterol toàn phần, triglyceride, VLDL, LDL – Cholesterol (cholesterol xấu), đồng thời giúp tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt). Từ đó, giúp củng cố và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Không những vậy, một số hợp chất có trong nhân sâm còn làm tăng hoạt động của superoxide dismutase, một chất chống oxy hóa làm giảm quá trình tổng hợp cholesterol. Ngoài ra, nó còn làm giảm mức độ malondialdehyde, hợp chất có hại làm tăng mức cholesterol xấu và stress oxy hóa.
5. Giảm mệt mỏi và tăng cường sinh lực
Nhân sâm đã được chứng minh có khả năng giúp làm giảm mệt mỏi và tăng cường sinh lực nhờ chứa một lượng lớn hợp chất ginsenosides, có tác dụng:
- Giữ cho hệ thống thần kinh trung ương ở trạng thái cân bằng
- Chống lại các phản ứng viêm trong cơ thể
- Cân bằng cortisol, một loại hormone căng thẳng có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng của cơ thể.
6. Chống lão hóa – Tác dụng thần kỳ của nhân sâm
Nhân sâm còn là loại thảo dược có công dụng chống lão hóa. Loại thảo dược này có khả năng trẻ hóa làn da bằng cách giảm stress oxy hóa. Ngoài ra, nó còn làm giảm sự tấn công của các gốc tự do, bảo vệ collagen, ức chế sự hình thành của các nếp nhăn và giữ ẩm cho da.
7. Tăng cường sức khỏe sinh sản
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, nhân sâm thường được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương và làm tăng ham muốn tình dục. Không những vậy, nhân sâm có khả năng làm tăng cường chất lượng và số lượng tinh trùng nhờ vào sự hiện diện của hoạt chất ginsenosides có trong nhân sâm. Tuy nhiên,cần có các nghiên cứu sâu hơn để hiểu về cơ chế hoạt động của nhân sâm đối với sức khỏe sinh sản.
III. Nên lựa chọn nhân sâm như thế nào?
Hiện trên thế giới có rất nhiều loại nhân sâm nhưng phổ biến nhất là nhân sâm Canada và nhân sâm châu Á. Dù đều thuộc chi Sâm (chi Panax), họ Nhân sâm (Araliaceae) nhưng nhân sâm phương Tây và nhân sâm Châu Á sẽ có sự khác biệt về thành phần hoạt chất cũng như tác dụng đối với cơ thể.
Nhân sâm Canada được trồng nhiều tại Canada, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bang Ontario Canada là nơi được trồng và xuất khẩu Nhân Sâm Tây lớn nhất thế giới. Ở Canada, thổ dân đã sử dụng nhân sâm từ vài nghìn năm trước như một loại thảo dược nhằm nâng cao sức khỏe. Đến năm 1721, nhân sâm Canada bắt đầu được xuất khẩu sang Châu Á.
Nhìn chung, mỗi loại nhân sâm đều sẽ có những lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, nhờ hàm lượng ginsenoside cao nhất với tác dụng an thần trên hệ thống thần kinh trung ương nên nhân sâm Canada có thể giúp tăng cường miễn dịch như nhân sâm châu Á mà không khiến cơ thể bị kích thích quá mức. Không những vậy, nhân sâm Canada còn là loại sâm chứa hàm lượng ginsenoside cao nhất với các tác dụng nổi bật với sức khỏe như:
- Giảm căng thẳng và ngăn ngừa sa sút trí tuệ
- Tăng cường sinh lực, giảm mệt mỏi
- Cải thiện đường huyết
- Tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa cảm cúm
- Cải thiện sức khỏe tim mạch
- Tăng cường sức khỏe sinh sản
- Cải thiện thị lực và làm chậm quá trình lão hóa.
Đặc biệt, tại Ontario, Canada, nhân sâm còn được trồng dưới loại đất màu mỡ nên có mùi hương riêng biệt và hậu vị ngọt ngào mà nhân sâm ở những nơi khác khó có được.
IV. Lưu ý khi dùng nhân sâm
Để nhận được nhiều nhất tác dụng của nhân sâm đối với sức khỏe, khi dùng, bạn sẽ cần hết sức lưu ý. Bởi dù đây là loại thuốc bổ khí đầu vị nhưng không phải ai cũng sử dụng được. Nếu bạn thuộc một trong những trường hợp sau thì nên tránh dùng nhân sâm:
- Thường xuyên bị đầy trướng bụng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy
- Nôn mửa, trào ngược, tăng huyết áp
- Phụ nữ mang thai trước ngày sinh
Ngoài ra, một số đối tượng có thể dùng ở liều lượng thấp và cần được bác sĩ theo dõi:
- Người hay mất ngủ nhưng sức khỏe yếu
- Trẻ em cơ thể yếu, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần.
Để dùng nhân sâm có hiệu quả, bạn có thể sử dụng để pha trà, ngâm rượu hoặc thêm vào các công thức nấu ăn từ xào đến hầm. Tuy nhiên, khi phối ngẫu bài thuốc có chứa nhân sâm nên tránh lê lô và ngũ linh chi. Bạn cũng có thể thử tham khảo 2 bài thuốc cổ phương quý từ nhân sâm sau:
- Bài Tứ quân tử thang: gồm nhân sâm, bạch linh, bạch truật – mỗi vị 5g và cam thảo 3g. Ngày uống 1 thang dưới dạng sắc hoặc thuốc hoàn. Bài này có tác dụng bổ chân khí cho những người sức khỏe yếu, hay mệt mỏi, kém ăn.
- Bát Trân thang: Kết hợp bài Tứ quân tử thang và thêm các vị xuyên khung, đương quy, bạch thược, thục địa – mỗi vị 5g. Ngày một thang dưới dạng sắc hay thuốc hoàn. Bài Trân thang có tác dụng trị chứng cả khí và huyết đều suy, người mệt mỏi, chân tay vô lực, đoản hơi, thiếu máu, da xanh xao, gầy còm, kém ăn.
Là một loại thảo dược quý hiếm, nhân sâm dùng đúng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hy vọng qua những chia sẻ của Hello Bacsi, bạn sẽ hiểu được thêm nhiều tác dụng của nhân sâm và cũng như những lưu ý khi dùng loại thảo dược này.